Khoảnh vườn chung quanh nhà bé tẹo, thế mà đã có bao nhiêu là khách lạ đến viếng. Những buổi sáng nhâm nhi cà phê; những buổi tối làm cơm, rửa chén; chúng tôi đã có dịp ngắm nghía những vị khách lạ không mời mà vẫn ghé đến mảnh vườn nho nhỏ này. Có khách đến thường xuyên… tắm táp phía vườn sau rồi tiện chỗ nghỉ chân chút, ăn sáng ăn trưa chút. Có khách chỉ ghé qua đi dạo rồi dửng dưng đi tuốt không qua lại. Có khách ghé qua tìm chỗ nằm đôi lần, gửi lại đôi mắt nhìn chăm chú cũng như tỉnh bơ bơ khi tôi đuổi khách “đi chỗ khác chơi” vì choán chỗ của vườn, vì sợ khách… cắn cho một cái thì mắc công đi tìm bác sĩ với bao nhiêu mũi tiêm ngừa bệnh chi chi, tôi không dám nghĩ đến. Có khách ghé thăm rồi xây nhà luôn trong vườn, sanh con đẻ… trứng và ở lại cho đến lúc những đứa con được cứng cáp khách lại bỏ nhà đi nơi khác, quay lại thăm vườn đôi khi hay đi luôn, tôi cũng không nhận dạng ra được những vị khách “ăn dầm nằm dề” hay khách mới.
Có khách ghé qua, rồi quay lại mỗi ngày, khi đi để lại những tàn tích mà chúng tôi chưa có cách (hay là không nỡ nhỉ) đuổi khách đi luôn.
Từ khung cửa sổ của nhà bếp, tôi có thể vừa đứng rửa chén, nấu cơm vừa có thể dõi mắt theo áng mây xanh trắng của sáng trưa hoặc cam cam tím tím của buổi hoàng hôn xa xa ngoài khơi. Có một hôm hồn đang lơ lửng theo đám mây xanh ngăn ngắt bỗng rớt xuống cái bịch ngay bãi cỏ vườn sau vì đôi mắt của vị khách lạ vừa đến đứng sừng sững một góc, và đang nhìn tôi chăm bẳm.
Tôi nhướng mày nhìn lại chứ ngán chi. Trông tướng của vị khách lạ nếu bảo tôi đến gần thì thật sự tôi không dám, từ trong nhà nhìn ra thì tha hồ mà ngắm với chỉ chỏ. Vị khách lạ này thật lạ, lạ đến nổi tôi phải chụp ngay tấm ảnh đem vào “khoe” Sư Phò của tôi và hỏi Google xem đó là coyote hay là cái con chi chi. Quanh vùng này, thú hoang dã tôi chỉ thấy có coyote chứ chưa từng thấy loài thú nào lạ lùng và có nét như trong những phim… kinh dị như thế.
Google cho chúng tôi những câu trả lời không được thoả đáng cho lắm nên quyết định gửi hình cùng câu hỏi đến sở kiểm soát thú vật (Animal Control) của thành phố để biết cho chắc chắn vì họ là những người thường xuyên kiểm soát những con thú hoang dã trong vùng.
Thư trả lời hôm sau cho biết đó là “The One” coyote mà họ quan sát nhiều lần, bị bệnh về da nên hình thể biến dạng. Mặc dầu đã được trả lời nhưng tôi vẫn… không tin vì hình ảnh của coyote không giống vị khách đã viếng khu vườn của tôi chút nào. Một vài ngày sau, vị khách ấy lại ghé vào vườn và lần này mặc cho chúng tôi đứng trong nhà ngắm nghía quan sát, khách cứ tỉnh bơ nằm tắm nắng thật lâu rồi bỏ đi.
Khách đến khách đi, chúng tôi cũng quên bẵng, tuần rồi khi nói chuyện với người hàng xóm, cô ta cho biết The Animal Control trong vùng vừa bắt được một con thú lạ từ Mễ đi qua tận đây, con thú có truyền thuyết rất huyền thoại (legend myth) như “người sói” (werewolf), tên là Chubacabra. Nếu ai đã xem qua phim hoạt hình (cartoon) Scooby Doo sẽ biết về Chubacabra. Hàng xóm bảo chúng tôi đã gặp huyền thoại của Mexican giữa ban ngày, điều lý thú hơn nữa là đây là lần thứ hai hay ba gì đó người ta thấy Chubacabra xuất hiện trước mắt ở đất Mỹ.
Chúng tôi không biết nên tin hay không, thôi thì cứ để truyền thuyết là truyền thuyết. Dầu sao chúng tôi cũng rất thích thú khi nghe về vị khách lạ đã hơn một lần ghé chân đem huyền thoại vào vườn mảnh vườn nhỏ bé này và cho chúng tôi tấm ảnh làm… tin.
Lại từ khung cửa sổ của nhà bếp, Chủ nhật tuần rồi tay đầy xà bông đứng rửa chén mà hồn lại bềnh bồng theo những cánh buồm xa xa đang đua nhau trên sóng nước, tầm mắt của tôi bất chợt dừng lại ở gốc cây vườn sau; cái chi cứ nhúc nhích động đậy dưới đống lá cây nhỉ? Tôi rửa tay, đi ra ngoài nhìn cho kỹ, ô, thì ra là một trự chút chít!
Ngồi xuống xem cô hay cậu chút chít đến từ đâu, lại thấy một trự nữa lồm cồm bò ra, rồi trự thứ ba, thứ tư, thứ năm! Dưới lỗ hổng của sàn gỗ cạnh gốc cây lẫn trong đám lá khô là năm trự chuột con vừa bò ra, có lẽ đã bắt đầu bỏ bú và vững vàng chút nên chúng rời mẹ, rời ổ đi kiếm ăn đây.
Thật tình tôi không ưa chuột vì những hình ảnh dơ bẩn của những con chuột cống ở cống rãnh luôn trong trí tôi, cộng thêm những bài học và sách vở khoa học thường thức cho tôi khái niệm chuột là một trong những loài thú vừa bẩn có thể gây bệnh cho người, vừa là loài phá hoại đồ đạc trong nhà nếu không may chúng làm ổ trong nhà mình. Thế nhưng khi nhìn những con chuột bé tẻo teo, bò và bước vài bước lại hụt chân té lăn quay, trông chúng tội nghiệp thế nào đấy. Tôi cứ ngồi đó nhìn chúng mà không nỡ làm gì hết dầu biết chúng sẽ sanh hại sau này.
Trong 5 trự, chỉ có một trự là hăng hái và khỏe mạnh bò tách xa bầy một khoảng ngắn rồi lại quày qủa bò về. Những con còn lại cứ chùm nhum lúc mở mắt nhìn chung quanh, lúc chui rúc vào nhau như tìm hơi ấm của mẹ và cứ nằm đó nhắm mắt ngủ, mặc cho tôi ngồi sát bên ngắm nghía. Ngủ một chốc, mấy trự bò trở lại cái lỗ hổng dưới sàn gỗ, còn lại hai con vẫn sát bên nhau, chồm lên nhấm nháp cánh hoa vàng trước mặt vài gặm rồi lại chụm đầu vào nhau ngủ tiếp. Thấy cảnh như thế tôi đành đi vào nhà để chúng tự do đi đâu thì đi, thay vì đem chúng bỏ vào bụi cây tuốt luốt dưới đồi. Hy vọng các trự chút chít lớn thêm đi nơi khác kiếm ăn chứ đừng loanh quanh phá vườn hay chui vào nhà làm tổ thì mệt cho chúng tôi lắm đa!
Khách được tôi “chào đón” từ vườn sau nhiều hơn vườn trước, lý do thật giản dị, thường khách ghé thăm vào lúc tôi đang rửa chén ở bếp, ngoài khung cửa kính của nhà bếp là vườn sau, là sóng chập chùng xa xa; thế nên khi khách đến thăm vườn là tôi thấy ngay. Vườn trước chỉ khi nào tôi ra khỏi nhà hoặc làm vườn như mấy hôm nay tôi mới để ý và gặp được khách ghé thăm, như vị khách với dáng vẻ mảnh khảnh, trắng muốt với phong cách vô cùng nhàn nhã trong bước đi chậm rải.
Đó là một chàng hay nàng cò trắng phau phau đang loanh quanh trước sân. Chẳng biết con cò kia ở đâu bay tới, có thể từ xa và ghé làm tổ ở hồ gần đây, đi dạo kiếm ăn. Ngọn đồi tôi ở chung quanh đã có nhiều khu nhà mới được xây lên cách đây năm năm, nhưng đất đai chen lẫn còn lại vẫn là nơi mà bạn bè tôi hay bảo “khỉ ho cò gáy”. Tôi chưa thấy khỉ, cũng chẳng thấy cò gáy nhưng đã thấy cò thong dong dạo bước trước sân và quanh vườn, loanh quanh ở vài căn nhà kế cận.
Từ lúc bé thơ đến giờ trí nhớ của tôi chỉ nhớ mình thấy cò trong sở thú chứ chưa thấy cò đi sờ sờ trước mặt như vầy. Tôi thích thú lắm.
Nhìn dáng vẻ của con cò tôi liên tưởng ngay đến những bức tranh thủy mặc được vẽ bằng mực tàu đơn sơ nhưng thật thanh nhã và những câu ca dao thành ngữ “một đàn cò trắng phau phau, ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm”, “con cò, cò bay lả lả bay lạ”. Chẳng biết chàng hay nàng cò này đang đi kiếm ăn hay kiếm chỗ nằm, tôi chỉ biết đứng đó ngắm rồi nhẹ chân đi vào nhà lấy cái máy luôn trong “tư thế sẵn sàng”, chụp vài tấm cò đang làm dáng.
Thoạt đầu tôi tưởng là con hạc, tôi vội vàng “khoe” bạn (lớn) nhưng nghe hỏi lại ngay,
– Có phải là hạc không đó?
– Dạ phải mà
– Nó to hay nhỏ?
– Dạ nhỏ, à mà không, cũng to lắm
– Nó ra làm sao?
– Nó màu trắng, mỏ vàng, chân đen
– Vậy là không phải hạc rồi, con cò đó cô nương à
– Con hạc mà!
Sau đó là một màn chế diễu. Tôi tức quá bèn đi tìm hình trên Net để cãi lại cho bằng được. Tôi còn đang hí hửng vì vài hình đầu tiên giống y chang vì khách trước sân và đều gọi là hạc. Muốn cho chắc ăn, tôi lôi cuốn “tự điển” các loài chim của California ra xem, trời ơi (!) quê ơi là quê, vị khách kia chính tông cò trắng phau phau. Tôi sai rồi, đành quay lại trong tiu nghỉu “I am wrong, đúng là con cò”. Dầu bị chế diễu với giọng cười trong điện thoại, tôi cũng đành cười trừ theo; ai bảo không tìm hiểu trước chi.
Có lẽ vì bài thơ nổi tiếng “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu, và chuyện có thật, thật cảm động về hạc “1000 Con Hạc Giấy” của cô bé người Nhật Sadako Sasaki, đã vẽ trong trí trong mắt tôi hạc là một hình dáng vừa huyền thoại nên thơ, vừa liêu trai nhưng bền bỉ và dũng mảnh trong ý chí. Không bền bỉ sao được, theo sách vở hạc có đời sống rất thọ và đã được tượng trưng cho sự sống thọ của dân Việt qua hai chữ “tuổi hạc”.
Cũng bởi mộng mơ thơ thẩn nên mới thấy bóng dáng cò trong sân, tôi lại cho là hạc và thấy vườn của mình đẹp hẵn ra và nên thơ chi lạ. Tôi nhìn theo đôi cánh xòe rộng, đôi chân thẳng tắp trên không với nuối tiếc, hy vọng cánh cò sẽ quay lại khoảnh vườn bé nhỏ này để tôi có dịp ngắm thêm.
Tôi đứng đó mà mơ mộng liên tưởng đến cảnh chia tay của hai chàng Lưu-Nguyễn cùng tiên nữ trong bài thơ “Tống Biệt” của thi sĩ Tản Đà
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
Bao nhiêu là “khách lạ” vẫn ghé thăm khoảnh vườn bé nhỏ trước nhà, sau nhà tôi, nhiều nhất là những gia đình chim se sẻ, chim cu xám, chim bồ câu, chim sâu (hummingbird), những cô cậu thỏ (ăn dần cỏ). Có lẽ tôi sẽ còn được tiếp thêm khách lạ trong những ngày sắp đến, họ đến và đi an nhiên tự tại, dầu gì đi nữa ngọn đồi này trước kia vẫn là nhà của họ cơ mà. Thật ra chính những người như tôi mới là khách lạ của ngọn đồi bình yên của họ. Ngọn đồi tôi rất yêu mến gắn bó trong mấy năm qua. Ngọn đồi thơ mộng với sương giăng hầu như quanh năm, sừng sững giữa ngày lên đêm xuống trước sóng biển mênh mông. Biết đâu một ngày nào đó sẽ có cánh hạc từ xa đến ghé chân nơi ngọn đồi này nhỉ.
PhốBiểnĐồiTây
03.08.2007