Trích trong “Dòng Sông Tuổi Nhỏ”
Phố Biển Đồi Tây giữa mùa Xuân, dầu sương vẫn giăng bàng bạc, những đóa hoa rực rỡ dọc trên sườn đồi đã nở rồi tàn hai ba đợt. Bướm bắt đầu chập chờn dầu không đẹp bằng những cánh bướm tôi có dịp được ngắm ở vùng Nam Mỹ, nhưng vẫn tô điểm thêm cho hoa cỏ. Tôi chợt nhớ về những con sâu chưa hoá bướm trong “Dòng Sông Tuổi Nhỏ” của riêng mình. Để tôi kể bạn nghe chuyện “ngày xửa ngày xưa, sâu dừa sâu róm, sâu đo mấy ngón…”
Nhà của ông tôi chỉ cách ngôi trường qua một con rạch nhỏ, nối nhau bằng một chiếc cầu bê-tông, xi măng ngắn ngủi. Cứ cách vài ngày là ông tôi hết tỉa lá trong vườn nhà, lại ra tưới nước, tỉa cây cảnh trong trường. Tôi chưa đến tuổi đi học nên khi các Anh Chị của tôi ngồi trong lớp thì tôi lại quanh quẩn bên ông, hoặc trước sân nhà chơi với lũ trẻ con hàng xóm. Và vì thế, tôi luôn có thì giờ theo “phụ” cho ông mỗi khi ông đi chăm sóc vườn tược. Tôi “đảm nhận” nhiệm vụ bắt sâu trong hoa trong lá cho ông.
Có lẽ cũng như bao nhiêu đứa trẻ cở tuổi tôi ở nơi đồng ruộng cây cỏ, được gần gủi và tiếp xúc với thiên nhiên mỗi ngày, nên tôi không biết sợ sâu, trùng hay điã gì cả. Không những không sợ sâu mà tôi còn rất thích nuôi nấng, chăm sóc chúng như người ta chăm sóc chó, mèo của mình. Đa số những con sâu tôi nuôi làm “thú cưng” đều là loại sâu nhỏ, xanh lè bắt từ trong những lá cây ra . Nhà của chúng thường là một cái lon sắt như lon đựng sữa bò hiệu Ông Thọ (trên lon có tấm nhãn vẽ ông Thọ) mà tôi lén nhặt từ thùng rác của nhà, hoặc chực chờ canh để xin ông tôi khi lon đã hết sữa.
Tôi nhớ mỗi lần ông tôi xách cây kéo to cỡ nửa người tôi là tôi luôn có mặt, lon ton theo sau, lúc đứng lúc ngồi để bắt sâu. Tôi rất hăng hái trong việc “vạch lá tìm sâu”. Hình ảnh những con sâu xanh mượt, béo tròn, bò ngổn ngang rồi “té” chỏng gọng khi bị tôi tóm vứt vào trong lon vẫn còn như in trong trí tôi. Nghĩ lại, thấy lúc đấy sao mà tôi hiên ngang hùng dũng đến thế!
Tuy bé tí tẹo nhưng tôi cũng biết nuôi sâu lắm chứ, nghĩ vậy thuở đó. Tôi thả lá vào thường xuyên cho chúng ăn thoả thích. Cho ăn rồi cho uống nữa cơ. Tôi còn sợ chúng bị lạnh. Tôi lấy bao nylon trùm lên miệng lon rồi cột lại quanh lon bằng những sợi dây thun cho chắc. Làm một công được hai chuyện, chúng vừa ấm, vừa không sợ chúng bò đi mất. Cứ như thế, cho sâu ăn xong, tôi lại cột miệng lon lại. Tôi nuôi chúng cẩn thận đến thế vậy mà chúng vẫn lăn quay ra “ngủm củ tỏi”! Với đầu óc non nớt của tôi, tôi chưa có kiến thức để hiểu chúng không chỉ sống bằng cách ăn lá cây, uống nước, mà chúng còn cần không khí để thở nữa.
Chả là vì có hôm được dẫn đi chợ hoặc đi chơi xa với ông tôi, tôi quên bẵng lon sâu ở nhà trong một góc của hầm trú bom. (Thuở đó, hầm trú bom được chị em chúng tôi xem là “lãnh thổ” của mình vì nơi đó yên tịnh, thụt sâu dưới nền nhà và an toàn.) Khi tôi nhớ ra thì những em sâu yêu dấu của tôi đã đi tìm cõi thiên đàng. Phải là thiên đàng nha, chúng đâu có làm chi ngoài ăn lá ăn hoa. Giời bảo chúng làm thế mà.
Mặc dầu tiếc hùi hụi, tôi cũng chẳng buồn lâu khi có vài con chết đi; bởi tôi còn cả khu vườn ngoài kia với những con sâu đang trốn trong lá trong hoa, đang chờ bàn tay của tôi xăm soi, nghiên cứu rồi còn được đem về nuôi nấng tử tế nữa.
Chơi với mấy em sâu chán, tôi quay ra “cá độ” với lũ trẻ con hàng xóm. Thường lũ trẻ con chúng tôi cá nhau để thắng thì ăn… dây thun hoặc bánh trái vớ vẩn gì đó. Vớ vẩn hay không, ai thắng vẫn được là “anh hùng” và tha hồ thâu lượm “chiến lợi phẩm”. Chúng tôi hay cá nhau xem đứa nào dám cho “sâu đo” đo người. Cho sâu bò từ trên vai bò xuống là xong và đủ cuộc thách thức cá độ. Không hiểu từ đâu xuất phát cái truyển thuyết rằng: “Nếu loại sâu đo bò từ trên đầu xuống đến chân của một người thì người đó sẽ… chết!”
Ha! Tôi cũng sợ cũng ớn xương sống cóng xương sườn chớ, nhưng vẫn ngang tàng gồng mình thách thức. Tôi hay nghênh mặt “kên xì tin” với bọn con nít cùng lứa tuổi
– Tao dám nè, tụi bây thách đi, tao làm cho coi!
Nói xong, tôi bèn bắt một con bỏ ngay lên vai mình để thách thức
Thấy tôi hùng hổ quá, bọn con nít hùa vào doạ
– Mày không tin hả, nó bò xuống tới chân của mày thì mày chết cho coi!
Thấy tôi vẫn tỉnh bơ để sâu bò từ từ thì chúng lại bảo
– Xì, sâu này đâu phải sâu đo đâu, mày xạo không!
Nói xong rồi chúng bĩu môi bàn tán cho là tôi bịa chuyện nhưng thật sự thì tôi nhát cáy. Thế là sau đó lại có một trận chống nạnh cùng dẩu môi cãi vã xí xó xảy ra cho đến lúc tôi bị lôi về nhà và bị phạt. Hình phạt mà tôi sợ nhất là phải bỏ hết mấy con sâu đó xuống cái ao trước sân nhà (cho cá ăn).
Thật tình khi ngồi đong đưa nghịch nước thả sâu đi, tôi mới tự nhận trong trí là sao mình liều thế. Nhỡ con sâu đó nó đo xuống đến chân thì chết thật làm sao! Rồi tôi tự hưá là sẽ không thi gan với lũ trẻ con hàng xóm nữa. Nhủ thì nhủ thế, nhưng khi chúng thách thức, tôi lại hiên ngang bỏ sâu cho đo, nhưng với điều kiện là chỉ xem đứa nào bị đo lâu hơn, dài hơn thôi.
Trái ngược với tôi, chị kế của tôi lại sợ sâu sợ đỉa, trừ những con trùng vì mấy chị rất mê câu cá. (Theo tôi thì trùng chẳng khác gì sâu cả, nhưng tôi chả hiểu sao chị của tôi sợ sâu mà lại không sợ trùng?) Tôi nghe gia đình kể lại rằng từ bé tôi đã có máu nghịch ngợm không như những cô nhỏ hay nũng nịu bên Ông Bà hay Cha Mẹ (trừ tật khóc dai :)). Hôm nào chị tôi tan học ngay dịp ông tôi tỉa cây là mấy chị lớn theo phụ để quét lá. Biết chị tôi sợ sâu, cái tính tinh nghịch trong tôi lại trổi dậy. Theo rình rình khi ông tôi đang bận tỉa lá và đứng thật xa chỗ mấy chị em, tôi giả vờ chạy ào đến cạnh chị rồi xoè tay “khoe” mấy chị “chiến lợi phẩm” đang ngo ngoe trong lòng tay bé tẹo của mình. Cứ nhìn mặt chị kế tôi tái xanh và chạy đi nơi khác là tôi biết mình đã “bắt trúng đài!”
Chị tôi càng sơ, tôi càng khoái chí chạy dí theo để nhìn chị tôi vừa chạy hớt hãi, vừa la oai oái mách lại
– Ông Nội ơi, con An nó ghẹo tụi con kià!
Tiếng cười nắc nẻ của tôi tắc tị ngay tức thì khi ông tôi đi đến mắng khẽ
– Chi được cái nước nghịch, có đi vào rửa tay không nào!
Thế là tôi đành tiu nghỉu cầm cái lon đi vào nhà mà lòng buồn rười rượi. Có một điều là ông tôi không bao giờ đánh phạt tôi cả.
Thời bắt sâu là thú nuôi nơi thôn dã của tôi đã bị chấm dứt khi chiến tranh năm Mậu Thân xảy ra. Gia đình chúng tôi quay về lại Sài Gòn sinh sống sau cái Tết buồn hiu hắt đó. Thế là tôi đành từ giã chốn đồng quê hiền hoà êm đềm được gần gũi cùng thiên nhiên với những hôm bắt sâu bắt trùng của tôi và trở thành một cô gái nhỏ Sài Gòn háo hức với bao điều đang chờ đợi giữa náo nhiệt phố thị.
********************
Cảnh vật nơi thôn dã với ánh lửa vàng nhạt của ngọn đèn dầu dần dà chỉ còn lãng đãng trong trí nhớ và được thay thế với những màu sắc rực rỡ của ánh đèn đô thị, xe cộ đông đúc, phố xá san sát đông người qua lại. Ăn ngủ, chơi đùa và đi học cũng trong không gian hạn hẹp không có tiếp xúc với vườn tược cây cảnh như xưa. Ngoại trừ những lần được dẫn đi xem… sở thú, nơi có nhiêu hoa lá cây cỏ. Có thể vì thế chăng mà càng lớn, tôi càng biết sợ nhiều thứ, và điều buồn cười (chị tôi cười tôi) là tôi bắt đầu biết sợ… sâu! Phải rồi, tôi sợ sâu đến kinh khiếp! (Thở dài)
Giời ạ! Tôi nhớ cái cảm giác sợ hãi đó đến lần đầu tiên trong một hôm chị tôi sai tôi nhặt thóc trong nồi gạo để cho chị chuẩn bị nấu cơm. Tôi được cưng chìu nên dầu tôi đã mười ba, mười bốn tuổi đầu, các chị tôi hiếm khi nào để tôi làm hay phụ giúp công việc trong nhà.
– An, đi nhặt thóc hộ chị đi.
Chị thứ nhì của tôi rất giỏi nấu ăn may vá nên đảm nhiệm lo cơm nước cho gia đình mỗi ngày.
Tôi gật đầu đưa tay đón lấy nồi gạo. Khi bê nồi gạo ra chổ sáng để nhặt thóc thì trời hỡi(!), lúc đó tôi mới hay trong nồi lổm ngổm đầy sâu gạo. Thật tình mà nói, những con sâu đó bé tí tẹo, nhưng sao tôi không dám sờ vào. (Nghĩ lại thời 1975–79, có được gạo mốc đầy sâu để ăn là phước lắm rồi). Thấy tôi đứng tần ngần, chị tôi mới hỏi
– Làm cái gì mà đứng xớ rớ đó, sao không nhặt thóc đi?
Tôi… quê lắm nhưng đành thú thật
-Em… gớm mấy con sâu quá đi!
Chị tôi rũ ra cười đến chảy nước mắt, đến sặc sụa vì biết ra rằng tôi đã đổi tính trở nên sợ sâu dầu chỉ là những con sâu gạo bé tí kia, còn chị thì “anh dũng” hơn nhiều, chả sợ sâu bọ chi nữa cả. Có lẽ sau trận cười thoả thích kia, chị tôi cảm thấy hối hận nên đã thương tình lấy nồi gạo đi chổ khác không sai tôi làm nữa. Cũng may là chị không còn trong tuổi tiểu học, chứ không thì có lẽ tôi sẽ là người xanh mặt chạy ra xa chứ không phải chị tôi như xưa.
Nỗi sợ hãi đó cứ tăng dần, như một lần khác sau đó khi chị sai tôi nhặt rau .
Tôi đang ngồi nhặt bó rau muống phụ chị, lại hết hồn nhảy dựng lên vì từ trong cọng rau có một con sâu xanh lè, to tướng vừa rớt ra. Báo hại tôi bị xanh mặt và… nhịn luôn món rau xào hôm đó. Rồi những hôm kế tiếp, khi ăn cơm, tôi đã rất dè dặt với những món rau xanh. Cơm trong chén của tôi lại bị tôi lấy đũa xới lung tung lên, trông cứ như gà bới đất, vung vãi đầy chén cũng chỉ vì mấy con sâu bé tẹo còn nằm trong trí của tôi. May mắn vì là út ít nên tôi không bị la rầy chi cả mà chỉ bị các chị cười trêu.
Từ hôm tôi nhịn ăn rau xào và ăn cơm cho có lệ cho đến một thời gian sau khá lâu, chị tôi không sai tôi nhặt thóc hay nhặt rau gì nữa cả, dẫu lúc đó tôi đã lớn tồng ngồng học trung học. Giờ nghĩ lại sao mà tôi được cưng chìu đến thế. Nhà đang trong hoàn cảnh khó khăn chật vật mà vẫn được chìu chuộng đến vậy. Thật là gia đình và các chị tôi thương tôi biết mấy.
Hết chuyện sợ sâu ở nhà thì lại đến “hãi” sâu ngoài đường.
Mỗi ngày đi học, tôi hay đi sớm để được đạp xe loanh quanh qua những con đường tôi thích, nhất là Sài Gòn xưa có những con đường đan lá me thật thơ mộng. Hôm đó tôi đang hớn hở đạp xe trên con đường Duy Tân đầy bóng mát để đến trường thì phải ngập ngừng vì cảnh cưa cây. Chả là vì tối hôm trước có bão nên sáng ra đường vẫn còn ướt và không khí thì trong lành và mát rượi. Còn đang thả hồn theo mộng thì tôi phải ngưng dòng tư tưởng lại. Phía trước, cách tôi vài chục thước người ta đang cưa cây. Thì ra bão đêm qua làm gẫy rất nhiều nhánh cây nhưng vẫn còn lủng lẳng trên cao chưa chịu rớt xuống, thế nên họ cưa xuống để tránh tai nạn.
Tôi nhìn quanh, và đạp tiếp, tránh chỗ người ta đang cưa. Khi tôi đạp xe ngang qua khúc đường ấy thì bất thình lình một nhánh cây nhỏ rớt xuống vai tôi. Hơi loạng choạng một tí, tôi phủi vai áo rồi đạp xe đi tiếp . Phủi áo xong tôi lại có cảm giác ươn ướt, nhột nhạt trên vai. Tôi nhủ thầm
– Chắc là nước mưa từ nhánh cây thấm vào
Theo phản ứng tự nhiên, tôi lại giơ tay phủi vai áo tiếp. Cái chỗ ươn ướt, mềm mềm đó đã… đổi chỗ, di động qua mấy ngón tay của tôi. Tôi giật mình nhìn xuống tay mình. Trời ơi, thì ra là con sâu róm đầy lông dựng đứng, đen thui, to bằng ngón tay trỏ của tôi đang được tôi “ưu ái” cầm trên tay. Hoảng hồn, tôi hét lên
– Áa ..aaa…aa…á!
Thế rồi quăng vội nó xuống đường. Còn chưa hết nổi sợ hãi, tiếp theo tôi nghe tiếng bánh xe mình cán lên đường phát ra những tiếng lụp bụp nho nhỏ. Nhìn xuống mặt đường, tôi tá hỏa tam tinh. Trời đất qủy thần ơi! Tôi đang cho bánh xe lăn trên mình của cả chục con sâu đang bò lổm ngổm trên mặt đường. Có lẽ chúng từ trên mấy nhánh cây bị cưa rớt ra đây. Tôi quýnh quáng thắng xe lại, tắp vào lề đường, trợn mắt ngó dáo dác, mồm thì cứ la bài hãi “ý, ui, ý uiii”, tay phủi lia lịa. Chưa bao giờ tôi thấy sâu lại nhiều và to đến thế. Chúng toàn là loại sâu róm (tôi đoán vậy). Con nào con nấy to bằng ngón tay của tôi, sợ còn to hơn nữa, đen đen, nâu nâu, lông đầy ra, dựng đứng nhô lên, nhô xuống khi chúng bò, trông thật khiếp đảm!
Tôi cứ đứng phủi áo dài mãi, hết vạt trước rồi vạt sau, chân thì nhảy cà tưng cà thọt, bên trái, rồi bên phải, tay quơ lung tung. Không biết tôi trong trạng thái “lên đồng” như thế là bao lâu. Hồi sau, tôi hoàn hồn, lấy hết can đảm, phóng lên chiếc xe đạp còn dựng ở lề đường, đạp một mạch đến trường.
Dựng xe lại trước cổng trường, loay hoay khóa lại, tay run lập cập, tôi đi vào lớp nhưng vẫn chưa hết nổi kinh sợ. Tim tôi còn đập thình thịch. Có lẽ lúc đó tôi nhìn có vẻ thất sắc lắm hay sao đấy nên mấy nhỏ bạn hỏi
– Làm cái gì mà mặt của mày xanh lè, tóc thì giống mấy bà điên quá vậy?
Mà thật tình, chắc mái tóc dài của tôi lúc đó trông giống như ổ rơm được bầy gà hay quạ bới lên vậy. Tôi kể lại cho mấy nhỏ ấy nghe về chuyện “kinh hoàng” xảy ra ở “con dường tình ta đi”. Tôi vừa xấu hổ vừa nổi sùng, ngún nguẩy đi thẳng một nước lền lầu hai vào lớp.
– Tụi bây chỉ giỏi cái mồm! Thử tụi bây bị sâu bám vào như tao coi, ở đó mà đứng cười! Đồ cà chua!
Tụi bạn vẫn khúc khích nhưng sợ tôi giận đành giả vờ làm mặt nghiêm rồi bấm nhau che miệng đi thụt lại phía sau (chắc để cười lén). Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn nghĩ tụi hắn bảo đảm cũng sẽ xanh mặt và “lên đồng” còn dữ hơn tôi chứ chẳng hay ho anh hùng tự tại gì lúc đó đâu (haha).
Một mẽ hoảng hồn vía vì sâu ngoài đường rồi cũng phai nhạt dần… cho đến một lần khác. Đang ung dung thong thả đạp xe trên đường Pasteur với chị Cả của tôi, chị thấy đèn đã bật xanh mà tôi vẫn đứng yên không chịu đạp tới nên hỏi
– Đèn xanh rồi kià, sao cưng không đi?
Tôi vẫn không nhúc nhích. Chị tôi tưởng tôi không nghe nên hỏi thêm lần nữa. Tôi ú ớ chỉ chỉ vào vai áo. Chị tôi chợt hiểu ra, lấy tay phủi dùm tôi con sâu đo nhỏ xíu xiu xuống đường. Chị tôi chắc muốn phá ra cười lắm nhưng có lẽ tội nghiệp cho cô em nên chỉ cười mím chi cọp rồi lắc lắc vai tôi như thể cho tôi “tỉnh” lại. Tôi lủi thủi đạp xe theo chị, chẳng đoái hoài gió mơn man, cây xanh mát rợp đường một chiều đang như ý với thật ít ỏi xe.
Từ hôm đó trở về sau, tôi không dám đạp xe dưới những con đường thơ mộng đầy cây nữa, mặc dầu đó là một trong những sở thích êm đềm ưu ái của tôi. Những con sâu dễ ghét kia đã làm tôi mất đi hứng thú ngắm cây cảnh, mộng mơ một dạo. Trời nắng chang chang mà tôi cứ phải lui cui đạp xe trên con đường không bóng cây Hai Bà Trưng rồi thẳng ra đường Thống Nhất để xuống trường (Trưng Vương). Có lúc phải đi qua những con đường có cây rậm, tôi lại ra sức đạp cho thật mau và không bao giờ dám ngẩng đầu lên nhìn trời đất như trước kia.
Bẵng đi một thời gian dài tôi mới dám đi lại dưới những con đường đó. Một phần có lẽ hình ảnh của những con sâu xấu xí đã phai nhạt trong trí của tôi. Phần khác là vì… tình yêu mộng mơ làm tôi bớt sợ. Chàng của tôi lúc đó và tôi có cùng một sở thích là đạp xe long rong trong mưa phùn nhè nhẹ. (Hình như cặp tình nhân nào cũng có sở thích như thế thì phải. Mà thật ra thời thiếu ăn thiếu mặc, có chiếc xe đạp để đi học, đi long rong như thế đã là niềm hạnh phúc may mắn lắm rồi. Ít ra là cho tôi)
Dầu chẳng để ý chung quanh lắm (hồn cứ lãng đãng khi đạp xe cạnh Người Ta í mà) nhưng sự lựa chọn vẫn là những con đường có nhiều cây, nhất là có cây me. Chẳng phải vì những tiểu tiết của các nhà văn khi Chàng nhìn thấy lá me vương tóc Nàng thơm ngát mùi lá me non, nên chọn con đường thơ mộng. Ai mà chẳng thích cùng tà tà đạp xe quanh phố trên những con đường có lá me vương nhỉ. Có chàng bên cạnh “bảo vệ” nên tôi không còn thấy sợ nữa và quên hẳn đi những con sâu róm dễ sợ kia. Một thời để nhớ để yêu…
********************
Rồi tôi cũng rời bỏ những con đường đầy bóng mát, lá me vương quyến rũ thơ mộng một thời để định cư ở Hoa Kỳ. Xa Quê Hương, xa Người, xa phố phường quen thuộc và xa cả những con sâu nhỏ to biền biệt.
Đời sống đẩy đưa, tôi không còn là “Tiểu Thư… con nhà không giàu sụ” nữa, bắt tay cùng nhanh chân tìm việc kiếm tiền phụ đỡ gia đình. Một trong những công việc đầu tiên của tôi là làm cho một nhà trồng và bán hoa, cây cảnh (greenhouse). Tôi cũng không nhớ là mình đã có thời từng sợ sâu đến khiếp vía. Cứ lo chăm chỉ trồng cây, tưới hoa.
Một hôm đang tưới nước cho mấy bụi hoa thì một ông chủ cuả tôi đi tới. Gọi là ông nhưng thật ra anh chàng chỉ hơn tôi có một, hai tuổi. Chào hỏi nhau từ xa, anh chàng đến gần chỗ tôi đứng và bảo
– Tôi cho cô xem cái này đẹp lắm
Tôi tò mò hỏi ngay
– Cái gì thế?
Anh chàng vội xoè tay cho tôi xem. Trong tay anh chàng là một con sâu thật to màu sắc thật đẹp. Con sâu có màu đen nhánh, sọc cam rực rỡ nằm gọn trong lòng bàn tay của anh chàng. Vừa nhìn thấy nó ngo ngoe, tự tưng bao nhiêu hình ảnh về những con sâu róm xưa kia với những nổi sợ hãi trong tiềm thức bỗng trỗi dậy cùng một lúc trong tôi.
Thấy tôi hơi lùi lại phía sau, anh ta cười cười hỏi
– Cô làm sao thế, sợ à?
Tôi cười gượng
– Không, nhưng tôi sợ đụng vào nó sẽ bị ngứa, tôi bị dị ứng đó mà
Anh chàng cười tươi rói
– Không sao đâu, cứ sờ đi, con này mai mốt sẽ thành con bướm thật đẹp đó
Vừa nói, anh chàng vừa đến gần hơn và định bỏ con sâu vào tay tôi. Tôi như chợt tỉnh giấc, hét lên, rồi cắm đầu chạy ra khỏi khuôn viên của nhà trồng cây. Tội nghiệp anh chàng đứng lại trong sự ngơ ngác và hối hận. Một lúc sau anh chàng đi ra gặp tôi và xin lỗi vì không biết là tôi sợ sâu đến thế. Tôi lại thêm một lần xấu hổ vì ba cái con sâu dễ ghét kia. Tôi lí nhí bảo anh chàng yên tâm, tôi không sao cả.
Từ hôm đó trở đi, ông chủ của tôi không bao giờ dám cho tôi xem sâu nữa. Sau đó thì họ cũng đổi tôi lên đứng bán hàng nên tôi cũng đỡ lo gặp mấy con sâu… đẹp đẽ bất tử.
Khi đi học lại, đọc sách xem hình, và sau này có dịp, tôi vẫn xem chương trình thế giới loài vật nói về loài sâu. Khi xem chúng trên ti vi như thế thì tôi lại thích thú theo dõi cách sinh họat của chúng và chúng không có cái hình ảnh đáng sợ như tôi đã thấy lúc xưa. Có một lúc tôi ngạc nhiên khi nghe mình trầm trồ về màu sắc rực rỡ của chúng. Dầu vậy, tôi vẫn chắc nịch là tôi không tài nào dám rớ vào sâu khi gặp chúng ở thế giới thực thụ bên ngoài.
Có điều này tôi vẫn không hiểu là sao tôi rất sợ sâu nhưng tôi lại thích ăn một món ăn mà rất nhiều người phải chạy xa cả cây số. Đó là món… nhộng tằm. Nhộng tằm mà rang với nước mắm, tóp mở, hành tỏi, lá chanh thái mỏng ăn với bát cơm nóng trong ngày mưa thì thật là tuyệt! :0
“Một con sâu làm sầu nữ nhân”. Theo tôi biết thì đa số dân kẹp tóc rất ngán sâu, thế nhưng có chàng, bác húi cua nào cũng khiếp vía vì sâu không nhỉ??? 😉
PhốBiển(vẫn ngán sâu)
PTL
09.06.2003
[* Hình ảnh minh họa trong bài nguồn từ Internet]