(Trích trong Dòng Sông Tuổi Nhỏ)
Viết nhân Tết Giáp Thân 2004
Năm mới lại sắp đến. Nhìn tờ lịch, hôm nay đã là 31 tây tháng 12 rồi . Không khí Giáng Sinh vui nhộn quây quần bên gia đình luôn làm tôi quên hẳn đi đã là cuối năm. Con số 24 khác xa con số 25, lại càng khác hẳn trong ý tưởng với con số 31, dầu chỉ cách nhau có một ngày, vài ngày, nhưng không hiểu sao khi ở trong ngày 24 đó, tôi lại không có một ấn tượng gì của những ngày cuối năm. Có lẽ sáng 25, sau khi thu dọn “chiến trường” do lủ nhóc tì bày biện sau lúc mở quà, ngồi nhâm nhi tách cà phê, nhìn dưới cây thông trống trơ, tôi mới thầm nhớ ra đã là cuối năm.
Mà hồn trí buổi sáng 25 cũng đâu có được yên tịnh để suy nghĩ nhiều. Cái tiểu đội đám cháu trai có chịu ngồi một chỗ mà chơi như nhỏ cháu gái chỉ thích ngồi đọc sách kia đâu . Chúng chạy, la hét, còn lôi kéo cả Dì ra làm “bia đỡ đạn” cho chúng nữa chứ! Rồi cãi nhau, rồi khóc lóc, rồi năn nỉ, rồi xin lỗi, rồi phạt, rồi tội nghiệp và rồi sau mười phút thì đâu cũng vào đó. Ôi trẻ con, vô tư và đáng yêu vô cùng.
Năm nay Tết kề cận hơn theo lịch. Tết Tây hay Ta gì con số 31 tháng 12 vẫn nằm chình ình ra đó, không thay đỗi, không lôi kéo, không quay ngược trở lại được. Từ khi rời Sài Gòn, năm nào cũng thế, đầy những chán chường khi ngày tháng lần lượt qua đi, nhìn cái mốc cuối năm là mặt tôi lại dài ra, thở dài sườn sượt! Những năm đầu, trời ạ, không muốn làm gì hết, không muốn đến sở, không muốn nói chuyện, không muốn ăn… Những ngày đó, tôi chỉ muốn ngồi miệt mài viết thư cho người Sài Gòn, cho người ở Huế, ở Nha Trang. Viết mãi, cắm cúi viết cho đến mỏi cả tay, mờ cả mắt mà vẫn chưa muốn ngưng. Không khí nặng nề, mấy chị em chả ai nói tiếng nào với ai, mà có muốn nói, có thì giờ nói đâu . Đi làm, đi học về , rồi cứ mạnh chị, mạnh em tìm góc nghe nhạc, viết thư. Thư tay viết cả mười trang có thấm gì. Cứ như nhật ký, tuôn ra những nhớ với thương quê nhà, với sầu dịu vợi trong tâm trạng kẻ viễn xứ…
Những năm sau này hình như tôi không muốn nghĩ đến Tết nữa, không muốn giữ trạng thái chán chường của những ngày cuối năm, ấy thế mà vẫn ngẩn người ra khi nhìn tờ lịch. Tôi vẫn thở dài khi đi mua sắm cho gia đình trong những ngày cuối năm, lắc đầu “Một năm trôi qua nhanh thế sao! Đã làm được gì đâu, trời!” (Lại kêu Trời, ông ấy có tội tình gì mà cứ hễ tí là réo ông ấy ra, có ngày …)
Tết thì sao nhỉ, hai mươi năm rồi, tôi chưa thật sự “ăn Tết”, chưa đón Xuân một lần. Có năm Chị tôi dẫn đi hội chợ ở Nam California, được một chốc tôi đòi về, không muốn làm cụt hứng mọi người, nhưng tôi chịu không được. Anh chị tôi cũng không hứng thú gì đi tiếp. Dòng người vẫn đông, vẫn kéo đến, vẫn có không khí Tết, nhưng sao tôi dửng dưng…
Có năm không về thăm Mẹ được, tôi gọi điện thoại chúc Tết, nghe Mẹ cười buồn
– Hôm nay Mẹ vẫn đi làm mà, nhưng khác chút, mẹ có bánh chưng ăn trưa.
Thương Mẹ lắm, đi làm cực nhọc mà vẫn ráng tìm cho được tấm thiệp Xuân của Việt Nam rồi nắn nót từng chữ gửi cho con ở xa . Có phải lòng người Mẹ nào cũng bao la hiền hoà và yêu con hết mực như thế không?
Tết của gia đình tôi của những năm đầu xa xứ là thế. Chắng hoa mai, chẳng bánh mứt, họa hoằn có ai biếu xén thì có chút đỉnh nhâm nhi để rồi lại nhớ những ngày tháng Tết cũ mà hiu hắt trong lòng.
Rồi những năm sau này, lủ nhóc tì lần lượt ra đời . Tết đến với gia đình tôi có phần “sinh động” hơn nếu nhằm vào cuối tuần, nhớ ra Tết, hoặc có dịp thăm nhau. Có lẽ chẳng phải vì Tết mà là niềm vui luôn là sự sum họp của gia đình. Dì đi tìm mua cho bằng được bộ cờ cá ngựa, bầu cua rồi dạy cho đám nhóc chơi cá ngựa, dạy chúng lắc bầu cua. Dì còn ráng tìm cho được bộ bài tứ sắc đem về kêu réo anh chị “gầy sòng”. Dì dạy chúng cắn hạt dưa kiểu cách để không bị mẻ, bị bễ, rốt cuộc dì è mồm, nhe răng ra mà cắn một đĩa cho chúng nó thi nhau bốc lủm. Chỉ có bao nhiêu đó thôi nhưng lủ nhóc quả tình đã đem lại những niềm vui và không khí Tết cho mọi người. Trời đất (lại Trời), chơi với chúng thì có mà lỗ cả năm. Đặt bầu cua xong, mới mở nắp ra, chúng lật đật gom tiền bỏ ngay vào chỗ mới
– Huy chưa đặt xong mà
– Uyên nói đặt gà khi nãy sao Út bỏ qua nai, Uyên không chịu đâu, Út đền đi!
“Cãi” lại mồm năm miệng mười của chúng không, còn khuya! Chơi cá ngựa đó hở, đổ xí ngầu năm lần bảy lượt cho đến khi những “chủ nhân ông, bà” tàu ngựa phát cáu lên mới chịu buông hột xí ngầu ra. Mà đã yên đâu, còn có màn đếm trật, đếm lộn ô, lộn luật, leo lên chuồng tuốt luốt. Rồi trợn mắt, rồi “đá” ngựa của nhau, chí chóe, có cả lúc… hất tung bàn cờ xuống đất hoặc lên trời. Đám húi cua anh hùng
– Không thèm chơi nữa, đồ ăn gian!
Cả tiểu đội chỉ có một công chúa nên bao nhiêu là … nước mắt dồn hết lại cho cô nàng
– Hic, hic, Uyên đâu có ăn gian, “tụi nó” đó, đếm lộn rồi đổ thừa, hic, hic!
Ối trời, lại một màn hoà giải, năn nỉ, “hăm doạ” rồi “hối lộ”. Đâu cũng vào đấy, êm xuôi, Dì út lại “gạ” “gầy sòng” tứ sắc. Con nít không thèm chơi nữa thì người nhớn chơi vậỵ Mấy chị em xanh, đỏ, xe, pháo, mã một chốc thì nhóc này réo, nhóc kia lôi
– Mẹ, con đói bụng
– Mẹ, con muốn xem phim
– Mẹ, mẹ, mẹ …
Dì út “cảm khái”
– Ba đâu, Bố đâu, sao réo mẹ không vậy!
Mấy chị cười, đứng lên
– Tụi nó muốn ăn uống chỉ có réo Mẹ thôi
Dì út đành buồn tình ra cắn hạt dưa, miên man với những hình ảnh xa lắc xa lơ…
Những ngày xưa thật xưa, mấy chị lớn chơi tứ sắc với mấy đồng bạc cắc, thua nhau, cãi nhau, tiền rơi lẻng kẻng, cô nhỏ ngồi chực, cứ thế mà nhặt bỏ túi rồi tỉnh bơ rút êm. Những ngày đã lớn hơn, “luật lệ” khắc khe hơn, chơi gì thì chơi, không được đặt tiền!
Thế là chén muối, ly nước lọc bự xự, và cái nồi đầy lọ nghẹ được bày ra. Thua cá ngựa, thua bầu cua, Tam Cúc gì cũng ngần ấy món. Nếm muối, uống nước lọc chán, lại xoay qua quẹt lọ nghẹ đầy mặt mũi nhau. Đến trưa mồng Hai nhìn mặt tên nào đen thủi đen thui là chính hắn, kẻ thua cuộc (mồng Một không được “cờ bạc”).
Lại nhớ những ngày dọn dẹp, sơn phết nhà cửa, đi ra di vào nhón mấy viên kẹo mè, đậu phộng đã được trình ông Táo nhưng chưa được phép thò tay vào. Nhớ những Tết còn sung túc, lủ con nít như tôi được phép thức khuya phụ gói bánh, phụ trông cái thùng phi to tướng đang sôi sùng sục đầy nhóc cả hai trăm chiếc bánh chưng. Tên nào cầm cự nổi thì thức cho đến lúc bánh được vớt ra đem ép, tên nào mệt trước thì lăn quay ra ngủ sau khi đã nếm một bụng nhân đậu xanh còn lại.
Nhớ những trái quốc tròn trịa, nhớ những khay mức dừa thơm lừng. Nhớ những đêm dạo chợ hoa Nguyễn Huệ, chợ dưa Tân Định, những cúc, mai, thược dược… Nhớ năm nào e ấp thẹn thùng khi đi ngắm, chọn mai ở chợ hoa Nguyễn Huệ với người xưa…
Nhớ từng con ngõ với hàng pháo dài thườn thượt, nổ đì đùng khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm 30 tháng Chạp…
Có những năm ấu thời, tôi được gia đình cho đi hái lộc sớm, chúc Tết sáng mồng Một xong là đi ngay đến chùa Vĩnh Nghiêm. Vừa vào được bên trong sân chùa, tôi đã chạy ào đến mấy cây mai, bứt lia lịa mấy nhánh non. Chị Cả quay sang kéo tay đi, mắng khẽ
– Cưng không được bứt lá như thế, ông sư la cho!
Tôi tròn mắt
– Nhưng mình đi hái lộc mà?
– Hái lộc chứ bộ vặt trụi cây của chùa sao!
Tôi còn đang thắc mắc thì đã bị kéo tay vào trong chùa để lễ Phật. Gia đình tôi, chùa cũng đi, nhà thờ cũng vào, chả là vì bên Nội thì đạo Phật, bên Ngoại đạo Thiên Chúa. Chỉ có chị em tôi là nửa mùa, Ông Bà bảo đi đâu thì đi đó, khi cầu nguyện thì cầu cả Chúa lẫn Phật loạn xị ngậu lên. Nhờ vào sự suy nghĩ phóng khoáng của Ông tôi, chúng tôi được tự do chọn lựa và không bị ràng buộc trong lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo.
Khi cầm phong bao lì xì cho lủ nhóc, tôi nhớ làm sao là nhớ về đêm giao thừa. Đi ngủ mà lòng hồi hộp chờ đợi những tờ giấy bạc mới toanh, thẳng tắp trong phong bì lì xì . Tôi thường ấp ủ chúng trong túi áo, hoặc trong cái ví hồng hồng be bé của tôi, lâu lâu lấy ra đếm lại rồi lại cất vào. Qua Tết mới đem ra, rồi lại đếm cẩn thận từng tờ và giao cho chị “cất để dành” cho em.
Thả hồn theo ngày xưa yêu dấu, thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng bởi tiếng hét, tiếng cười của lủ nhóc tì chung quanh, nhưng có những giây phút “không làm gì và không phải làm gì” của ngày Tết như thế, trí nhớ mòn lụi của tôi lại miên man và luôn dừng chân ở mốc thời gian thơ dại hồn nhiên của những năm nào.
Sống ở xứ người riết rồi thời gian không định được nữa . Chạy hụt hơi, mỏi giò vẫn không theo kịp thời gian. New Year hay Tết ta, năm hết thì cứ dồn cục lại tính theo ngày đi làm của sở để mà biết rằng thời gian chẳng đợi chờ ai, cày vẫn cày chết bỏ, năm mới bước qua vẫn bước qua, làm không kịp dự án cuối năm, chủ lại réo bắt làm cho xong. Tết có đến ngay trên bàn cũng phải làm!
Miên man nghĩ đến năm con khỉ sắp đến tôi lại nhớ về năm Tết Mậu Thân ở Vĩnh Long. Tôi không nhớ được đến bánh mứt, cũng không nhớ mình có được phong bao lì xì nào không, tất cả mù mờ như khói đạn của những ngày Tết năm đó. Thậm chí tôi cũng không nhớ là có phải là Tết không nữa. Không hiểu vì lúc ấy tôi còn bé quá, năm sáu tuổi đầu, hay vì khói, đạn, hỏa châu quanh sân, đầy ruộng đồng nên đã lấp hết những ngọt ngào của bánh mứt.
Tôi chỉ nhớ cả làng, cả xóm đi tản cư qua những nơi khác. Họ gồng gánh ngang qua nhà Ông tôi, chị em tôi đứng nhìn bàn tán không biết và không hiểu họ đi đâu? Chỉ biết một sáng thức dậy, mấy chị em không có ai để chơi đùa, chung quanh làng xóm ruộng đồng vốn yên tịnh, nay lại càng vắng vẻ.
Đêm về chỉ thấy hỏa châu, nghe tiếng đạn bay veo véo, rơi lỏm bỏm xuống cái ao trước nhà. Ông tôi vẫn điềm nhiên ngồi đọc sách trước ánh sáng của ngọn đèn dầu nhỏ bé . Chúng tôi chưa đến giờ đi ngủ, nhưng lại không được ra sân chơi nên leo lên bộ ván nói chuyện vớ vẩn với nhau rồi lục tục chui vào mùng khi Ông nhắc nhở, nằm nghe tiếng đạn bay, rơi, rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng ra trước sân và chung quanh nhà như trải thảm bằng vỏ đạn. Lớn, nhỏ, tôi không đủ trí nhớ và hiểu biết để phân biệt loại nào với loại nào. Còn đang tần ngần với chiếc “thảm” vỏ đạn mới toanh kia, mấy chị em tôi chạy lại đứng nép bên Ông khi những người lính Cộng Hoà với súng ống trang bị, đi đến hỏi Ông tôi
– Sao bác không đi tản cư mà ở đây, rủi bị lạc đạn sao .
Ông tôi cười hiền hòa
– Nhà tôi ở đây thì tôi ở đây. Có lủ cháu nhỏ, lại không có bà con ở xóm làng kề cận, chúng tôi đi đâu bây giờ. Chết đều có số mà, tản cư bom rớt, trúng đạn cũng chết thôi.
Những người lính đó xem xét chung quanh nhà một lúc rồi chào Ông tôi và xoa đầu chúng tôi cười nhẹ rồi quay đi. Có người dặn dò khi thấy chị em chúng tôi đang cầm những vỏ đạn
– Mấy cháu cẩn thận nha, vỏ đạn mà chơi cái gì
Sao lại không chơi được chứ! Mắt tôi sáng lên khi thấy Ông không nói gì và những người lính kia cũng đã đi. Thế là chị em chúng tôi nháo nhào quay ra nhặt vỏ đạn làm “của riêng”.
Trẻ con nơi ruộng đồng nhà nghèo thì thế, cái gì cũng có thể chế biến ra thành đồ chơi được cả. Những vỏ đạn lớn chúng tôi làm cối giã trầu. Tha hồ nhét lá trầu, lá cây vào mà ngoáy. Vỏ đạn nhỏ chúng tôi gom lại rồi xếp hàng dài và dùng gạch chọi vào như chơi tạt lon. Cứ thế những ngày Tết năm Mậu Thân trôi qua trong tiếng súng đạn, tiếng leng keng của vỏ đạn trong túi áo, ngoài sân, không người lai vãng trong xóm cho đến lúc họ lục tục kéo về…
Tết năm đó tuổi thơ của tôi vẫn hồn nhiên, vẫn không chút mảy may xao động bởi chiến tranh. Chỉ nhớ tôi buồn hơn vì không có bạn để chơi nhưng lại có niềm vui mới với đồ chơi mới, những chiếc vỏ đạn đồng.
Khi lớn hơn chút nữa tôi mới biết rằng Tết năm đó có biết bao nhiêu là gia đình đã hết nước mắt, đã đau đớn tột cùng vì khói lửa, bom đạn của chiến tranh.
Và Tết năm đó là năm cuối cùng tôi đón Tết ở Vĩnh Long, cũng vì chiến tranh, gia đình tôi dọn trở về lại Sài-Gòn sau ba năm tôi được hưởng không khí trong lành cùng nếp sống yên tịnh ở chốn đồng quê.
Còn mấy tiếng đồng hồ nữa là qua năm mới, tết Tây thôi, Tết ta thì vẫn còn vài tuần nữa, nhưng vài tuần thì cũng thế thôi, vẫn tất bật, vẫn chạy ào ào theo thời gian theo cuộc sống như lốc xoáy ở xứ người. Có khác chăng là những ngày Tết Ta nếu được rảnh rỗi mà nhớ đến thì chắc hẳn hương vị sẽ khác tí ti với hạt dưa lách tách, với mứt sen, với những E-card có hoa Mai, hoa Đào. Được vài giờ, may mắn thì một ngày, rồi lại cắm đầu vào mà cày, mà lo cho công việc chung quanh. Làm gì có chuyện “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như những ngày xa tít mù khơi yêu thương kia đâu nào. Còn chán vạn người Việt khổ sở nghèo nàn bên kia bờ Thái Bình Dương không đủ cơm áo, tôi than ván gì chứ!
Thôi thì năm hết, Tết Tây Tết Ta đến, tôi xin chúc qúy vị những điều tốt lành nhất. Qúy vị đón giao thừa mỗi năm và năm nay không biết có vui hơn không, riêng tôi mặt đang dài ra, chẳng biết vì cơn cúm đang hành, hay cái tuổi thơ đang bám víu trong trí tôi làm cay cay tròng mắt, đo đỏ con ngươi .
Có ai mà không bơi ngược dòng một lần để được đắm mình trong tuổi thơ, thời trẻ dại, để ưu ái, trân qúy và để tiếc nuối khôn cùng…
Chiều Phố Biển 31.12.2003